Địa điểm lựa chọn:
Vị trí thứ nhất - Khu vực phía Tây, Trạm bảo trì của Tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam, thuộc khu vực nút giao thông đường dẫn vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 38B.
Ý tưởng chủ đạo công trình:
HẢI DƯƠNG - KẾ THỪA TINH HOA LỊCH SỬ
CHUNG TAY VƯƠN LÊN NHỮNG TẦM CAO MỚI
Năm cánh tay bằng thép kề bên nhau vươn lên trên cao như hái lấy vầng Nhật Nguyệt - thể hiện cho khát vọng phát triển và hướng đến những thành quả rực rỡ của vùng đất giàu tinh hoa lịch sử… Năm cánh tay như năm cánh sao đại diện cho các thành phần chính trong xã hội : Công nhân – Nông dân – Tri thức - Thanh thiếu niên - Lực lượng vũ trang ; Về truyền thống nó tượng trưng cho ngũ hành tương sinh – biểu trưng cho sự đầy đủ và tính chặt chẽ, tạo ra động lực nâng vầng Nhật – Nguyệt (biểu tượng trên mái Văn miếu Mao Điền) lên tầm cao mới… Biểu tượng mạnh mẽ vươn cao như ngụ ý Hải Dương đã, đang và sẽ phát triển không ngừng.
Các cánh tay kề bên nhau theo vòng tròn vươn lên một thân cây lớn, các ngón tay và bàn tay mở ra trên cao như tán cây tròn đều, vươn lên cao đón lấy tinh hoa từ vùng văn hoá và văn hiến tâm linh chính của cả nước. Ngoài ra hình dáng cây như nhắc nhớ tới các cây gia phả của các họ tộc đã làm lên lịch sử của đất Hải Dương: Từ Khúc Thừa Dụ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đến Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quang, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Thị Duệ, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài…
Nền móng được tạo nên 3 cấp chính rộng và vững chãi thể hiện cho mong muốn Hải Dương luôn tận dụng được “THIÊN THỜI – ĐỊA LỢI – NHÂN HÒA” để xây dựng quê hương giàu mạnh.
Biểu tượng là sự kết hợp giữa biểu tượng Nhật Nguyệt trên mái Văn miếu Mao Điền (mạ đồng – crom) với khung thép tổ hợp từ thép chữ I trong một kết cấu hiện đại còn có ý nghĩa biểu tượng cho “VAI TRÒ CỦA TRUNG TÂM CÔNG NGHIỆP VÙNG” của Hải Dương (nằm trong Vùng thủ đô).
Tổng mặt bằng:
Khu đất có dạng chữ nhật rộng 23,670 m². Cổng vào khu biểu tượng được kết nối với đường dẫn vào Trạm Bảo trì. Sau cổng có bãi đậu xe ô tô và một sân rộng có thể tập kết đông du khách ghé qua tham quan.
Sân trên của biểu tượng hình tròn có khắc chìm các họa tiết trống đồng đường kính 23 m, từ sân trên xuống sân đường bên dưới có thêm 2 cấp.
Đường lên sân trên có 3 bậc cấp chính rộng 8 m.
Thông số kích thước cơ bản:
Công trình có tổng chiều cao 56,4 m, bao gồm phần đồi cỏ thấp cao 8,4 m và phần biểu tượng thép cao 48 m.
Kích thước đường kính phần đáy đồi là 86,2 m, sân trên hình trống đồng có đường kính 56,4 m.
Phần các cánh tay làm từ các thanh thép hình chữ I sơn màu ghi, trong đó kích thước chân là 1200 x 400 mm càng lên cao nhỏ dần, đỉnh cao nhất của cổ tay là 800 x 160 m, đầu ngòn tay là 800 x 100 mm. Các thanh thép được ghép theo hình tròn có đường kính phần đế là 11 m và càng lên cao càng chụm lại gần nhau, có đường kính trên là 5 m.
Biểu tượng Nhật Nguyệt được cắt ghép từ thép tấm mạ đồng – crom, được lồng hai vòng tròn theo đường kinh tuyến, có khắc lửa bên trên, mục đích để khách từ các hướng có thể nhận diện được. Vòng Nhật Nguyệt được đỡ bởi ống thép ở giữa vòng tròn những cánh tay, được sơn màu xanh da trời đậm nhằm làm cho kết cấu đỡ này chìm đi. Đường kính của vòng Nhật Nguyệt là 6 m.
Tính khả thi:
Công nghệ chế tạo cơ khí và thi công lắp đặt hoàn toàn có thể thực hiện công trình này một cách nhanh chóng, chính xác; bảo trì dễ dàng.